Quy định về Khiếu nại và Tố cáo? Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo?
Khiếu nại và Tố cáo là hai hình thức để nhân dân thực hiện
quyền của mình về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau và dựa trên quy
định của pháp luật hiện hành. Trên thực tế, khiếu nại và tố cáo có các vai trò
quan trọng đối với việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, vậy
vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo cụ thể như thế
nào? UBND xã Văn Lợi xin được thông tin chi tiết về vấn đề này như sau:
Cơ sở pháp lý: Luật
Khiếu nại 2011 và Luật Tố cáo 2018.
1. Quy định về Khiếu nại và Tố cáo
1.1. Khiếu nại là gì?
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ,
công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân
có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan
hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước
hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định
hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình
(Khoản 1, Điều 2).
1.2. Tố cáo là gì?
Tố cáo là việc cá nhân theo thủ
tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết
về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt
hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp
pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Theo đó, thì việc tố cáo cần được thực hiện theo các quy
định của pháp luật đề ra, nhưng việc tố cáo cần phải được lưu ý để tránh nhầm
lẫn và gây mất uy tín và danh dự nhân phẩm của các cá nhân hay tổ chức.
2. Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu
nại, tố cáo
Có thể nói, trong xã hội hiện nay thì khiếu nại và tố cáo
là một trong những hình thức đặc biệt quan trọng để nhân dân trực tiếp tham gia
vào hoạt động quản lý nhà nước và quản lý xã hội phát huy vai trò của quần
chúng nhân dân.
* Việc khiếu nại, tố cáo theo
quy định của pháp luật Việt Nam, khiếu nại, tố cáo tạo điều kiện thuận lợi để
công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình
bị xâm hại bởi quyết định hành chính, hay hành chính của cơ quan hành chính, cá
nhân có thẩm quyền và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi
các nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Ví dụ: Công dân A có hành vi vi phạm đèn tín hiệu giao thông với
biểu hiện là vượt đèn đỏ, hình thức xử phạt đối với A là phạt tiền (theo quy
định của pháp luật là phạt tiền với khung phạt là từ 800.000 đồng đến 1.000.000
đồng). Tuy nhiên, cảnh sát giao thông đã lập biên bản và ra quyết định phạt
tiền là 1.500.000 đồng. Như vậy, công dân A có thể khiếu nại đến Thủ trưởng đơn
vị cảnh sát giao thông đó về quyết định xử phạt trên đã vi phạm quy định của
pháp luật theo quy định. Điều này vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của
công dân A, theo đó còn giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có điều kiện để khẳng
định tính đúng đắn trong hoạt động quản lý theo thẩm quyền của mình theo quy
định của pháp luật.
* Khiếu nại, tố cáo giúp cơ quan hành chính nhà nước kịp
thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở
góp phần khôi phục lại những quyền và lợi ích chính đáng của công dân, mặt khác
kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật nhằm giữ gìn kỷ
cương, trật tự tại cơ sở, tạo lòng tin của người dân vào chính quyền và cơ quan
quản lý Nhà nước nơi mình đang sinh sống và lao động, động viên nhân dân tham gia
vào hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy mọi người hoàn thành tốt các nghĩa vụ
đối với Nhà nước và xã hội. Cho nên, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công
tác này và không ngừng đẩy mạnh, nâng cao tính hiệu quả của nó. Ngoài ra, thực
hiện tốt công tác này còn giúp các cơ quan Nhà nước kịp thời phát hiện những
sai lầm, hạn chế trong hoạt động của mình để uốn nắn, sửa chữa nhằm nâng cao
hiệu quả quản lý nhà nước./.