Thực hiện Công văn số
51-CV/BDVHU ngày 13/9/2024 của Ban Dân vận Huyện uỷ và Công văn số
2002/UBND.NV ngày 26/9/2024 của UBND huyện Quỳ Hợp về việc học tập tác phẩm
“Dân vận” của Bác Hồ. Sáng ngày 01/10/2024 Đảng ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ xã Văn Lợi
đã tổ chức hội nghị học tập tác phẩm "Dân vận" của Bác Hồ. Tham dự hội nghị
có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Nhàn-Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã cùng các đồng
chí trong BTV, BCH Đảng ủy; Trưởng, phó các tổ chức chính trị-xã hội và toàn thể
cán bộ, công chức người lao động cơ quan.
Tác phẩm “Dân vận” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây 75 năm; tác phẩm vẫn cho thấy sức sống mạnh mẽ xuyên suốt trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội; đây thực sự là một di sản quan trọng trong toàn bộ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết đăng trên Báo Sự thật số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Tác phẩm Dân vận được xem là cương lĩnh, kim chỉ nam về công tác vận động quần chúng của Đảng. Đó là giải đáp những vấn đề có tính chất căn bản, cấp thiết của công tác dân vận trước các đòi hỏi của Đảng và của lịch sử khách quan đặt ra.
Ảnh tư liệu
Xin trích một số nội dung đã triển khai tại Hội nghị:
75 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật với bút danh X.Y.Z (ngày 15 tháng 10 năm 1949) nhưng những tâm tư, tình cảm vừa tâm huyết, lại vừa mang tính giáo dục sâu sắc đó của Người cho đến hôm nay như vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong giai đoạn hiện nay những lời dạy đó của Bác càng trở thành những bài học có tính sống còn trong đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trong mỗi hoạt động của chính quyền và từng việc làm cụ thể của cán bộ, viên chức trong hệ thống các cơ quan Nhà nước.
Mở đầu bài viết Hồ Chủ tịch đã viết rất ngắn gọn “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ”, đã tóm tắt nêu lên bản chất của Nhà nước Việt Nam mới là: Nhà nước của dân; bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là trách nhiệm và công việc của dân; chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến xã đều do dân cử ra, tổ chức nên; tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Đây chính là cơ sở, tiền đề có tính chất quyết định trong công tác Dân vận.
Người rất coi trọng công tác Dân vận, theo Người công tác Dân vận là công tác vô cùng quan trọng quyết định tới vận mệnh của dân tộc, quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong bài báo Người viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì nhân dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.” Đây chính là tiền đề về công tác Dân vận, quyết định cách thức, mục đích làm công tác Dân vận của Đảng ta.
Ảnh tư liệu
Trong bài báo Người đã chỉ ra 4 bước quan trọng, nhất thiết phải làm trong công tác Dân vận, đó là:
1. Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.
2. Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.
3. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.
4. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
Công tác Dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang,....
Đồng chí Trương Văn Thi-PBT TT Đảng ủy, CT HĐND xã, Trưởng khối Dân vận xã triển khai, quán triệt tác phẩm
Để tiếp tục phát huy giá trị lý luận,
thực tiễn và ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm“Dân vận” trong thời gian tới, tại hội nghị
đồng chí Trương Văn Thi-PBT TT Đảng ủy, CT HĐND xã, Trưởng khối Dân vận xã đề
nghị các chi bộ, các ban, ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động
cơ quan thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, nhận thức đầy đủ về tác phẩm “Dân vận” của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo đảm công tác vận động các tầng lớp nhân dân ngày càng
đi vào thực chất, lấy sự hài lòng và niềm tin của nhân dân là thước đo kết quả
công tác.
Thứ hai, tiếp
tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy
cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân làm trọng tâm của công
tác dân vận. Coi trọng công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác
dân vận chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đạo đức công
vụ, cải cách hành chính; lấy sự hài lòng của nhân dân là mục tiêu hoạt động.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới công tác tuyên
truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức để nhân dân hiểu rõ về tình hình
đất nước, tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ tư, cán bộ, đảng viên phải thực sự gương
mẫu trong cuộc sống, "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"; phải
“trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”; luôn
đặt lợi ích tập thể lên trên hết, kiên quyết phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Thứ năm, cần quy định
rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ
quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên.
Cuối cùng, đồng chí nhấn mạnh:
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mới thực hiện công tác dân vận hiệu quả, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-
CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh” và thực hiện Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng./.