Chấm dứt yêu cầu người dân nộp Phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định
Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tại Hội nghị trực tuyến triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc, chiều 02/10/2024.
Trên 70% phiếu LLTP được cấp qua VNeID.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, trong bối cảnh nhu cầu cấp Phiếu LLTP của người dân tăng cao, đặc biệt là ở một số tỉnh, thành phố lớn, đồng thời để cải cách hơn nữa thủ tục cấp Phiếu LLTP, cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu LLTP không cần thiết trong 154 TTHC thuộc tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và tiến tới chấm dứt việc yêu cầu người dân nộp Phiếu LLTP không đúng quy định, ngày 09/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu LLTP tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng giải pháp triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID. Thực tiễn sau 01 năm thực hiện đã cho thấy, Chỉ thị số 23 thể hiện sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, đúng và trúng của Thủ tướng Chính phủ trong công tác LLTP.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh:
VGP/ Nhật Bắc
Việc thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID là một trong các giải pháp hiệu quả và đã được khẳng định sau một thời gian thực hiện tại 02 địa phương, trong đó có Thành phố Hà Nội – nơi một năm trước các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều tin bài về tình trạng xếp hàng dài xin Phiếu LLTP.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể, chủ động nghiên cứu, xây dựng các phương án thực hiện nhiệm vụ, phối hợp với Bộ Công an và các địa phương nghiên cứu, ban hành quy trình nghiệp vụ cấp Phiếu và điều chỉnh phần mềm cấp Phiếu LLTP, tập huấn, hướng dẫn cho địa phương.
"Sau thời gian thực hiện thí điểm, kết quả thí điểm cấp Phiếu LLTP qua VNeID tại 02 địa phương này là rất tích cực với tỷ lệ trên 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP, được người dân tích cực đón nhận và đồng tình ủng hộ. Một điều quan trọng là thông qua việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phu thì đã từng bước thay đổi nhận thức và hành động của cán bộ, cơ quan nhà nước trong cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân", Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho hay.
Rút ngắn thời gian cấp Phiếu LLTP từ 10 xuống 3 ngày.
Bộ Tư pháp cho biết: Sau 2 tháng thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID với kết quả tích cực, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an và 02 địa phương thực hiện thí điểm là TP. Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức sơ kết với sự tham gia của tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để có đủ hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 24/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ đồng ý mở rộng thí điểm trên toàn quốc từ ngày 01/10/2024 tới 30/6/2025. Để triển khai mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP qua VNeID trên toàn quốc, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID trên phạm vi toàn quốc; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác LLTP tại 63 địa phương; thành lập Tổ công tác sẵn sàng hỗ trợ các địa phương thực hiện thí điểm; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an rà soát, hoàn thiện và ban hành Quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID, trong đó rút ngắn thời gian cấp Phiếu LLTP (rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 03 ngày trong trường hợp thông thường, từ 15 ngày xuống còn 09 ngày trong trường hợp cần xác minh); kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong thực hiện thí điểm giải pháp này.
Đến ngày 01/10/2024, đã có 48/63 tỉnh/thành phố đã thử nghiệm thành công về kỹ thuật, trong đó có 05 địa phương đã hoàn thành việc quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin để sẵn sàng thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên Ứng dụng định danh quốc gia VNeID, các tỉnh đã thử nghiệm thành công còn lại đang thực hiện kiểm thử toàn trình, chuẩn bị đánh giá an toàn thông tin…
Bên cạnh đó, một trong các nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ, ngành Tư pháp ưu tiên nguồn lực để thực hiện là xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu LLTP với mục tiêu "đúng, đủ, sạch, sống" phục vụ việc khai thác, tra cứu thông tin để cấp Phiếu LLTP. Theo quy định của Luật LLTP, Cơ sở dữ liệu LLTP được xây dựng, quản lý theo mô hình 02 cấp (tại Trung tâm LLTP quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và tại 63 Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Kết nối, chia sẻ thông suốt giữa Trung ương và địa phương.
Tại Bộ Tư pháp, Cơ sở dữ liệu LLTP luôn được cập nhật, xử lý đầy đủ, kịp thời và chuẩn hóa dữ liệu. Đến nay, Trung tâm LLTP quốc gia thuộc Bộ Tư pháp đã tích hợp được hơn 03 triệu thông tin LLTP phục vụ cấp Phiếu LLTP. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23, ngày 06/9/2023, Bộ Tư pháp đã điều chỉnh kỹ thuật để phân quyền cho 63 Sở Tư pháp trên toàn quốc có thể trực tiếp tra cứu, khai thác thông tin trong CSDL tại Trung tâm LLTP quốc gia để cấp Phiếu LLTP.
Tại các địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm đầu tư nguồn lực để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP. Đến nay, 63 Sở Tư pháp trên toàn quốc đã xử lý và tích hợp được hơn 5,8 triệu thông tin LLTP vào Cơ sở dữ liệu LLTP. Như vậy, có thể thấy mặc dù được xây dựng theo mô hình 02 cấp Trung ương – địa phương nhưng trên thực tế đã được kết nối, chia sẻ thông suốt giữa Trung ương và địa phương.
Bộ Tư pháp cũng có nhiều văn bản đề nghị UBND các địa phương quan tâm, chú trọng, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP. Bên cạnh đó, Cơ sở dữ liệu LLTP điện tử đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm có thể khai thác, sử dụng thông tin của cá nhân trong CSDL quốc gia về dân cư, phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP. Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin về án tích, thông tin bản án với Tòa án nhân tối cao và các Bộ, ngành khác có liên quan. Đây là nhiệm vụ Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện thời gian tới.
"Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc là một giải pháp đột phá, thay đổi mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực LLTP bên cạnh các giải pháp cắt giảm các yêu cầu người dân phải nộp phiếu LLTP tại 154 TTHC của các Bộ, ngành quản lý", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh.
Thực tiễn thành công thí điểm tại TP. Hà Nội và tỉnh Thừa Huế, kinh nghiệm và quyết tâm của Bộ Tư pháp, Bộ Công an với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng, sự vào cuộc thực chất của Lãnh đạo UBND 02 địa phương đã được lựa chọn thí điểm vừa qua cho chúng ta cơ sở để tin tưởng việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ: Thành công không tự nhiên tới mà cần sự vào cuộc, quyết tâm cao của tất cả chúng ta, nhất là tại 63 địa phương để vượt qua khó khăn, thách thức từ áp lực công việc khi phải rút ngắn thời hạn cấp Phiếu LLTP trong khi nguồn lực bảo đảm, kể cả hạ tầng công nghệ thông tin tại các địa phương còn hạn chế.
Chính vì vậy, cần có sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương để vượt qua các khó khăn, vướng mắc thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID trong phạm vi toàn quốc./.
Nguồn: Chinhphu.vn