image banner
Giả công an, báo lỗi VneID chiếm hàng tỷ đồng
Lượt xem: 133

Theo ghi nhận của Bộ TT&TT, thời gian gần đây trên không gian mạng liên tiếp xuất hiện các nạn nhân sập bẫy chiêu trò lừa đảo giả danh công an, hướng dẫn hoặc báo lỗi tài khoản VNeID, dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện cho nạn nhân, thông báo ứng dụng VNeID của họ bị lỗi và hướng dẫn họ tải ứng dụng sửa lỗi online. Sau khi nạn nhân cài đặt thì toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị chiếm đoạt.

Các ứng dụng giả mạo này có tính năng thu thập thông tin cá nhân, kiểm soát, theo dõi, điều khiển điện thoại nạn nhân từ xa. Mục đích là đăng nhập tài khoản ngân hàng và tin nhắn mã OTP để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã liên tục đưa ra khuyến cáo nhưng vẫn có người dân nhẹ dạ cả tin, sập bẫy đối tượng lừa đảo. Do đó, người dân cần tìm hiểu kỹ những thông tin về lừa đảo trực tuyến để tăng cường biện pháp bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.

Tuyệt đối không tin, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, không truy cập vào các đường link hoặc kho ứng dụng không chính thống để tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Công an các cấp tuyệt đối không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại và mạng xã hội. Khi cần hỗ trợ về cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, người dân nên đến trực tiếp công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn.

Trường hợp nhận thấy bất kỳ hành vi lừa đảo hoặc mạo danh từ phía VNeID, hãy thông báo cho công an ngay lập tức thông qua các kênh liên lạc chính thức để họ có thể hỗ trợ xử lý vụ việc.

Anh-tin-bai

Mạo danh Cục quản lý xuất nhập cảnh chiếm đoạt

Mới đây, Công an TP Thủ Đức, TPHCM phát đi cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh. Đây được xem là hình thức thuộc nhóm đối tượng giả danh cán bộ công an thông qua mạng xã hội, mạng viễn thông để thực hiện hành vi lừa đảo nhưng cách thức tinh vi hơn.

Theo đó, các đối tượng thông qua mạng xã hội để tìm kiếm, tiếp cận với những người có nhu cầu xuất cảnh đi nước ngoài. Đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn nạn nhân thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ hộ chiếu, xin visa; yêu cầu nộp ảnh chân dung, ảnh chụp căn cước công dân để làm thủ tục.

Chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng gửi lại cho nạn nhân ảnh chụp hộ chiếu, visa được xác định giả mạo kiểu cắt ghép, chỉnh sửa. Đối tượng thông báo cho nạn nhân biết về thời gian xuất cảnh, yêu cầu có mặt tại sân bay nhận giấy tờ.

Khi nạn nhân có lòng tin bước đầu thì các đối tượng tiếp tục gửi văn bản giả mạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, có nội dung "xác minh, chứng minh nguồn thu nhập và tài chính", yêu cầu phải chuyển khoản tiền lớn vào tài khoản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh để hoàn thiện hồ sơ và sẽ chuyển trả lại sau 30-40 phút. Nếu nạn nhân tin tưởng, thực hiện chuyển tiền thì bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt.

Theo đó, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về các hình thức và dấu hiệu nhận biết các trường hợp lừa đảo trên không gian mạng. Khi tìm kiếm các dịch vụ trên mạng xã hội, người dân nên cẩn trọng và chọn lọc kỹ những tổ chức/ doanh nghiệp uy tín. Xem xét lịch sử các bài đăng trên Fanpage; lời giới thiệu, thông tin và hình ảnh mà Fanpage cung cấp. Người dùng có thể yêu cầu xem giấy phép kinh doanh hoặc xem đánh giá của các khách hàng trước của Fanpage để nhận định mức độ uy tín. 

Trường hợp nghi vấn, phải tham khảo ý kiến người thân trong gia đình, những người hiểu biết để được tư vấn; liên hệ cảnh sát khu vực, công an để được hỗ trợ giải quyết.

Giả mạo Shark Tank Việt Nam

Nhà sản xuất của chương trình Shark Tank Việt Nam vừa cảnh báo về việc một số đối tượng có hành vi giả mạo, sử dụng hình ảnh các nhà đầu tư của chương trình để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân.

Cụ thể, đối tượng lừa đảo tiếp cận nạn nhân qua Facebook để giới thiệu việc làm, kêu gọi thực hiện nhiệm vụ like (thích), theo dõi Fanpage và bình chọn cho các "cá mập" của Shark Tank Việt Nam để nhận tiền lương mỗi ngày.

Sau đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu những người này nạp tiền vào hệ thống theo hình thức chuyển khoản đến số tài khoản của Công ty TNHH Award Enter Việt Nam để quy đổi điểm và nhận lại tiền gốc cùng hoa hồng. Khi đã nhận được tiền, phía lừa đảo cung cấp bản cam kết hoàn vốn có logo của chương trình Shark Tank và con dấu của công ty, đồng thời giới thiệu nạn nhân liên hệ đối tượng thứ ba để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.

Theo đó, đối tượng thứ ba đưa nạn nhân vào nhóm chat với các cộng tác viên khác để thực hiện các nhiệm vụ bình chọn. Họ được yêu cầu truy cập vào đường dẫn https://binhchonsharktankvn.on... để bình chọn một trong số các "shark" của chương trình. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ tiếp tục nạp tiền vào hệ thống để quy đổi điểm và nhận lại tiền gốc lẫn hoa hồng tương tự bước 2.

Những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, nạn nhân sẽ nhận được đầy đủ tiền gốc và hoa hồng nên tin tưởng thực hiện nhiệm vụ của các ngày tiếp theo. Đến khi số tiền nạp vào hệ thống lên đến hàng chục triệu đồng nhưng không nhận được tiền gốc và hoa hồng, họ mới phát hiện mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước thông tin và phản ánh của người dân về sự việc trên, Chương trình không tổ chức lôi kéo khán giả làm nhiệm vụ like, theo dõi, bình chọn, nạp tiền để nhận hoa hồng.

Nguồn: Chinhphu.vn

Hà Trang (Công chức Văn phòng-Thống kê)
Tin liên quan
 
12345678
BẢN ĐỒ XÃ VĂN LỢI - HUYỆN QUỲ HỢP
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ VĂN LỢI
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Trương Văn Thân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Lợi

Bà Trần Thị Hà Trang, Công chức Văn phòng-Thống kê

Trụ sở: Xã Văn Lợi - Huyện Quỳ Hợp - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: - Email: